Tiếp thụ và ảnh hưởng Immanuel_Kant

Kant tại giảng đường

Sinh thời, Kant đã được xem là một triết gia xuất sắc, cho nên vào những năm 90 của thế kỉ 18 đã có một "chủ nghĩa Kant" (Kantianismus). Những người được xem là tiên phong quan trọng là Johann Schulz, Karl Leonhard ReinholdFriedrich Schiller. Nhưng không lâu sau cũng có những bài viết phê bình. Ví dụ như Moses Mendelssohn gọi Kant là một người "nghiền nát" tất cả, hay là August Eberhard, người đã phát hành một tờ báo để phê bình Kant, và Kant cũng đã hồi đáp một cách minh xác trong một bài viết nhan đề "Về một sự phát hiện mà theo nó, toàn bộ phê phán lý tính thuần tuý mới được một cái cũ hơn làm cho thừa" (Über eine Entdeckung, nach der alle neue Kritik der reinen Vernunft durch eine ältere entbehrlich gemacht werden soll).

Phê phán của Johann Georg Hamann và Johann Gottfried Herder lại có trọng lượng hơn. Hai người này cho rằng, Kant đã không chú ý đến việc xem ngôn ngữ như một nguồn gốc nhận thức nguyên thuỷ. Thêm vào đó, Herder còn cho thấy rằng, con người trong quá trình cảm nhận đã "sơ đồ hoá một cách siêu việt" ("metaschematisiert") và sự kiện này đã nói trước các nhận thức sau này của Tâm lý học hình thái (Gestaltpsychologie). Một phê phán quan trọng khác xuất phát từ Friedrich Heinrich Jacobi. Ông phê bình việc tách rời hai dòng nhận thức (Trennung der zwei Erkenntnisstämme) và bác bỏ "vật tự thể".

Thời kì phân tích thứ hai xuất phát từ chủ nghĩa duy tâm (Idealismus) của Đức và bắt đầu với Fichte. Ông cũng không thừa nhận trực quan là nguồn gốc nhận thức và qua đó, bước đến chủ nghĩa duy tâm chủ quan (subjektiver Idealismus). Ông bình luận phản ứng phủ nhận của Kant một cách miệt thị. Tương tự như vậy, SchellingHegel muốn vượt qua và hoàn tất Kant bằng hệ thống tuyệt đối của họ. Với cái chết của Hegel, chủ nghĩa duy tâm chấm dứt một cách đột ngột nhưng không chấm dứt về mặt được phân tích tiếp thu. Tuy nhiên, Arthur Schopenhauer, Max StirnerFriedrich Nietzsche là những ứng đáp dành cho Hegel – họ phản đối chủ nghĩa tuyệt đối của ông ta – nhưng cũng dành cho Kant, bởi vì họ tìm một con đường vượt khỏi nhận thức phũ phàng của tính chất hạn lượng của con người mà không nương tựa vào một Thượng đế khả đắc, thậm chí cũng chẳng có xác tín của tự do.

Một con đường khác được Jakob Friedrich Fries, Johann Friedrich HerbartHermann von Helmholtz khai mở. Họ tiếp thụ Kant qua khía cạnh khoa học, đặc biệt là tâm lý học. Với Otto Liebmann, Tân chủ nghĩa Kant bắt đầu gây ảnh hưởng trong phần thứ hai của thế kỉ 19 và dẫn khởi một sự tranh luận kéo dài đến khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Các đại biểu chính của trường phái Marburg là Hermann CohenPaul Natorp với một phương pháp tiếp cận nặng tính khoa học cũng như Heinrich RickertWilhelm Windelband trong trường phái Baden (Badischen Schule) với trọng tâm triết học giá trị (wertphilosophisch) và lịch sử. Điểm chung của tất cả các đại biểu này là sự phê phán cái "tiên nghiệm" (a priori), cái được họ hiểu là nhân tố siêu hình nơi Kant. Lập trường của họ có nhiều điểm giống chủ nghĩa duy tâm. Nhưng sự việc hoàn toàn khác với chủ nghĩa phê phán (Kritizismus) của Alois Riehl và môn đệ là Richard Hönigswald, người đã đi sát học thuyết của Kant và chỉ tiếp nối tư tưởng này bằng cách quan tâm đến những nhận thức của khoa học hiện đại. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư biện của Kant đã được giai cấp tư sản dùng để đối phó với giai cấp vô sản.

Hans Vaihinger chọn một đường riêng với triết học "dường như" (Als Ob) của mình, cũng như những đại biểu trường phái Marburg trước đây là Nicolai Hartmann với bản thể học theo duy lý phê phán, Ernst Cassirer với triết học hình tượng biểu trưng và cũng chính Cassirer cho thấy rằng, những lý thuyết toán họckhoa học tự nhiên hiện đại như Thuyết tương đối có thể được dung hoà với chủ nghĩa phê phán.

Không còn trường phái Immanuel Kant nào tồn tại trong thế kỉ 20. Tuy vậy, gần như triết học nào cũng là một cách phân tích hoặc một cuộc đối thoại với Kant, bắt đầu từ Charles S. Peirce qua Georg Simmel, Edmund Husserl, Karl Jaspers, Max Scheler, Martin Heidegger, Ernst Bloch cho đến Theodor AdornoKarl Popper, cũng như trong triết học phân tích đến Quine với những bài Kant Lectures và Peter Frederick Strawson với một bài luận giải nổi tiếng về Phê phán lý tính thuần tuý. Chủ nghĩa cấu thành của trường phái Erlangen (Erlanger Konstruktivismus) theo sát học thuyết của Kant, cũng như giữ một vai trò điểm tựa nơi Karl-Otto Apel với cách tiếp cận chuyển hoá Triết học siêu nghiệm (Transformation der Transzendentalphilosophie) và nơi Carl Friedrich von Weizsäcker. Trong thời gian 1950 đến giờ, một nhóm triết gia lại tiếp nối học thuyết của Kant về mặt duy lý phê phán (kritische Rationalität), như Helmut Holzhey, Dieter Henrich, Gerold Prauss, Norbert Hinske, Herbert Schnädelbach, Rainer Brandt hoặc Otfried Höffe. Cũng có những đại biểu tại Hoa Kỳ như Paul GuyerHenry E. Allison. Một điểm cần được nhấn mạnh ở đây là sự phục hưng luân lý trách nhiệm (deontologische Ethik), được hỗ trợ mạnh mẽ bởi thuyết công bằng của John Rawls. Kant cũng được phân tích nhiều trong lĩnh vực Mỹ họcTriết học tôn giáo.

Ngay trong thời nay, Immanuel Kant cũng vẫn là triết gia được lý giải nhiều nhất. Điều này được thể hiện qua hơn 1000 luận văn chuyên đề và những tập tiểu luận được phát hành năm 2004, kỉ niệm 200 ngày qua đời của ông. 1100 người đã tham dự hội nghị "Kant und die Berliner Aufklärung" năm 2000 (Hội nghị quốc tế Kant lần thứ IX tại Berlin). Công trình Nghiên cứu Kant (Kant-Studien) được Hans Vaihinger thành lập năm 1896 với hơn 25 luận văn mỗi năm, sau được xem là diễn đàn của Học hội Kant (Kant-Gesellschaft) tại Halle/Saale, được thành lập năm 1904 kỉ niệm 100 năm ngày mất của ông. Có Viện nghiên cứu Kant (Kant-Forschungsstelle) tại đại học Mainz, một công trình tại Bonn nhằm công bố các tác phẩm của ông bằng những phương tiện điện toán cũng như Kho tư liệu Kant tại Marburg (Marburger Kant-Archiv). Cũng có một số triết gia Nhật Bản theo học thuyết của Immanuel Kant và họ cũng lập một Học hội Kant riêng. Tại thủ đô Tōkyō, trong đền Triết gia, người ta treo một bức tranh mang tên "Bốn người minh triết trên thế gian", trên đó thể hiện hình ảnh Đức Phật, Khổng Phu Tử, Sokrates và Kant.